Câu chuyện về nghề gạch, gốm đỏ Vĩnh Long

Vĩnh Long là một trong những tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có trữ lượng đất sét phèn lớn, vì vậy có lợi thế và điều kiện để hình thành và phát triển nghề gạch, ngói từ hơn trăm năm qua và sau này phát triển đến gốm. Đã từ rất lâu, Vĩnh Long tự hào với danh xưng “Thủ phủ lò gạch”, “Vương quốc gốm đỏ” với những làng nghề gạch, gốm thủ công truyền thống lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Để đến làng nghề, từ cầu Mỹ Thuận nơi sông Tiền tách ra thành 2 nhánh, men theo dòng sông Cổ Chiên đến sông Mang Thít, ven sông chúng ta có thể nhìn thấy vô vàn những lò gạch, gốm mọc lên, trông xa như những tòa tháp rực đỏ dưới ánh mặt trời, nếu chưa từng lớn lên và từng một lần đã nhìn thấy cảnh vật ấy ngoài thực tế thì chắc hẳn chúng ta phải ngạc nhiên “ồ” một tiếng – về vẻ đẹp của nó. Làng gạch, gốm này trải dài gần 30km thuộc thành phố Vĩnh Long, huyện Long Hồ và Mang Thít.

Làng nghề dọc theo tuyến kênh Thầy Cai – Mang Thít

Nghề làm gạch, gốm nơi đây gắn chặt với những câu chuyện mưu sinh, những câu chuyện tâm linh nghề thú vị và đầy những thăng trầm phát triển làng nghề qua bao thế hệ. Người dân nơi đây bám trụ với nghề qua nhiều đời, từng viên gạch hình thành gắn chặt với những giọt mồ hôi và tình cảm của người thợ, gắn chặt với cuộc sống của họ; qua thời gian những kỹ thuật được truyền lại dần kết tinh điêu luyện, những tảng đất thô sơ qua bàn tay tài hoa của người thợ trở thành những sản phẩm hữu ích cho người dân. Nói về lịch sử hình thành, thì lúc mới khởi điểm – nơi đây chỉ chuyên làm gạch ngói như: gạch tàu, gạch ống, gạch tiểu, ngói âm dương, chủ yếu bằng phương pháp thủ công, dụng cụ thô sơ. Dần về sau, nơi đây bắt đầu cơ giới hóa, sản xuất bằng máy chạy gạch.

Đến những năm 80, nghề gốm ở Vĩnh Long manh nha hình thành. Khi đó, doanh nghiệp thí điểm đầu tư sản xuất gốm bằng lò dài với chất đốt là gỗ tạp. Về kỹ thuật thì giống như các vùng khu vực miền Đông nhưng về sản phẩm thì lại đặc biệt ở chỗ gốm đỏ Vĩnh Long là loại đặc trưng không tráng men, khác về nguyên liệu sản xuất, màu đỏ của đất sét khi nung chín tạo màu sắc đặc trưng của gốm vùng này. Mãi đến năm 1993, gốm đỏ của Vĩnh Long mới ký kết được hợp đồng xuất khẩu. Nghề sản xuất gốm tại Vĩnh Long phát triển mạnh mẽ những năm 2007 – 2008. Nhiều doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, tự nghiên cứu cải thiện qui trình làm ra sản phẩm. Chủng loại sản phẩm cũng có sự phát triển đa dạng hơn, đặc biệt là gốm đã xuất khẩu qua các nước châu Âu, Mỹ, châu Úc và một số nước châu Á. Gốm giai đoạn này phát triển với hai dòng sản phẩm chính là gốm trang trí sân vườn và gốm xây dựng nội thất, được một số doanh nghiệp nghiên cứu phát triển làm phong phú. Gạch cũng phát triển mạnh và xuất khẩu qua các nước lân cận mà phổ biến nhất là Campuchia.

Sản phẩm gốm được sử dụng trong trang trí
Sản phẩm gốm được sử dụng trong xây dựng

Về cách nung gạch, gốm của người thợ lò nơi đây để tạo ra những sản phẩm tuyệt vời như thế cũng là một quá trình đúc kết bao kinh nghiệm từ thế hệ cha ông. Ban đầu, nhiên liệu là củi tạp và trấu, việc tăng giảm nhiệt độ từng giai đoạn đốt lò nung gạch, gốm chủ yếu là qua kinh nghiệm của người thợ cảm nhận nhiệt qua mắt nhìn độ lửa chỗ miệng lò. Lâu dần nguyên liệu đốt đun gạch, gốm chủ yếu sử dụng phổ biến cho đến nay là trấu, có hệ thống máy phân tích nhiệt độ để tạo thuận lợi cho người thợ canh lửa đốt lò đảm bảo sản phẩm ra lò phải đẹp, chất lượng và mang màu sắc đặc trưng gạch gốm đỏ Vĩnh Long.

Nghề sản xuất gốm ở Vĩnh Long mang nét đặc trưng riêng. Thường mỗi cơ sở sản xuất là một hộ gia đình có xưởng sản xuất tách biệt. Có những xưởng lớn thì thuê tới mấy chục, hàng trăm lao động. Trong gia đình, khi con cái lớn thì có sự nối nghiệp, trên phần đất mà cha mẹ cho ra riêng sẽ xây thêm nhiều lò mới để sản xuất, cũng vì vậy mà rất dễ nhìn thấy các lò gạch nơi đây san sát, các hộ sản xuất gần nhau cũng thường có mối quan hệ họ hàng, bà con.

Theo thời gian và phát triển của xã hội, các làng gạch gốm dần bị tác động. Vấn đề ô nhiễm môi trường, xu hướng nhu cầu hàng hóa của các thị trường thay đổi,…Dần có nhiều cơ sở thu hẹp, nhiều người phải chuyển đổi nghề mưu sinh. Tuy nhiên, cái nghề mà bám chặt với cuộc đời người thợ, người dân nơi đây qua bao năm tháng, khi bỏ đi và chuyển qua nghề khác là cả một sự nuối tiếc rất xót xa.

Thực hiện Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung, Vĩnh Long cũng như một số tỉnh thành đã xây dựng và triển khai Đề án tổ chức lại ngành sản xuất gạch gốm thực hiện trong giai đoạn 2013-2020. Qua đó, đã có gần 600 cơ sở với gần 1.100 lò tròn đã được hỗ trợ chi phí tháo dỡ. Dự kiến cuối năm 2020, sẽ tiếp tục dỡ thêm 155 lò nữa. Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các làng nghề truyền thống, hiện nay Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đang tham mưu UBND tỉnh xây dựng Đề án di sản đương đại Mang Thít nhằm duy trì và bảo tồn trên 1.200 lò gạch còn lại, qua đó gắn kết nơi đây với phát triển du lịch của tỉnh, nhằm vừa bảo tồn làng nghề có truyền thống trên 100 năm, giữ lại cái nôi vốn có gạch gốm của vùng đất Vĩnh Long và mong muốn từ một làng nghề truyền thống, sẽ nhanh chóng trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Hy vọng với sự quyết tâm của các cấp thẩm quyền trong tỉnh, làng nghề gạch gốm ở Vĩnh Long sẽ tiếp tục được duy trì theo hướng gắn kết du lịch; vẫn có thể tạo ra những sản phẩm đẹp, độc đáo giữ hồn gạch gốm Vĩnh Long nhằm giới thiệu, quảng bá nét truyền thống, sản phẩm đặc trưng qua nhiều thế hệ tại Vĩnh Long đến với khách du lịch, đến với khách hàng khắp nơi, mang tâm hồn Việt và văn hóa phương Đông tới thị trường trong và ngoài nước, đến với bạn bè trên thế giới.

Nguồn: vinhlongtourist

Scroll to Top