Lạc vào “Vương quốc gạch đỏ” gạch gốm Mang Thít – Vĩnh Long

logachvinhlong-1

Không chỉ có miệt vườn trái cây trĩu quả, những điểm du lịch sinh thái độc đáo, Vĩnh Long còn nổi tiếng với Vương quốc Đỏ nằm bên những dòng sông thơ mộng. Từng mái lò, từng hàng gạch, từng hình ảnh lung linh với cảnh sắc thiên nhiên sông nước đặc trưng của làng gạch gốm không thể lẫn vào đâu.

Ai cũng biết rằng để xây dựng nên những công trình vĩ đại không thể thiếu nền tảng là những viên gạch. Thế nhưng gạch từ đâu có, sản xuất thế nào thì không phải cũng biết rõ. Vì thế, nếu có dịp du lịch miền Tây, nhất là các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre,… bạn sẽ bắt gặp những làng nghề làm gạch gốm truyền thống của người dân nằm dọc hai bên bờ sông.

Tách ra từ nhánh chính của dòng Cửu Long, hai nhánh sông Tiền – sông Hậu chạy khắp miền Nam hàng năm mang đến cho vùng đồng bằng rộng lớn này hàng triệu mét khối phù sa màu mỡ. Khối lượng phù sa này không chỉ là nguồn dinh dưỡng cho đồng lúa hay miệt vườn bốn mùa hoa trái, mà còn hình thành những mỏ sét nguyên sinh quý giá.

Mỏ sét nguyên sinh này là nguyên liệu tuyệt vời để tạo nên các sản phẩm dùng trong xây dựng, trang trí như gạch nung, đồ gốm… Những tảng đất thô sơ qua bàn tay tài hoa của người thợ trở thành những sản phẩm hữu ích cho người dân.

Khi nhắc đến nghề làm gạch ở miền Tây thì Vĩnh Long là tỉnh có số lượng làng nghề, số lượng hộ gia đình sản xuất gạch nhiều nhất. Làng gạch gốm trải dài 30km thuộc thành phố Vĩnh Long, huyện Long Hồ và huyện Mang Thít. Trong đó xã Nhơn Phú và Mỹ An, huyện Mang Thít, là nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất gạch hơn cả. Lò gạch, gốm Mang Thít có tuổi đời hàng trăm năm, được biết đến là nơi sản xuất gạch, gốm đỏ nổi tiếng và lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Dân gian thường hay gọi nơi đây là “vương quốc gạch ngói/lò gạch”.

Nếu bạn muốn đến làng gạch ở Vĩnh Long, bạn đi theo quốc lộ 53 rồi rẽ vào DT 903, chạy thẳng gặp ngã ba là đến đường DT 902 (dọc sông Cổ Chiên). Tại đây, bạn có thể hỏi thăm người dân địa phương để được hướng dẫn tuyến đường có nhiều.

Từ cầu Mỹ Thuận nơi sông Tiền tách ra thành dòng Cổ Chiên đến sông Mang Thít, ven sông những lò gạch, gốm mọc lên kéo dài hàng chục km, trông xa như những lâu đài thu nhỏ rực đỏ dưới ánh mặt trời, khiến khách ghé qua ngỡ như lạc vào thế giới cổ tích.

Xưa kia, khi nghề làm gạch thủ công truyền thống còn thịnh vượng, mỗi nhà sở hữu vài miệng lò. Những khi vào mùa, tất cả nhất loạt nhả khói trắng ngút trời. Những lò gạch nằm san sát nhau, nhìn từ xa giống như một tiểu vương quốc bé xinh với hàng trăm tòa lâu đài nhỏ.

Một lò gạch thường cao tầm 12m. Người ta cần đến 5 ngày để tải và dỡ gạch, 15 ngày để nung và 10 ngày để xây cửa lò và chờ gạch nguội. Gạch được nung bằng trấu với quy trình kiểm tra, canh lửa rất cẩn trọng, để đảm bảo gạch ‘chín’ vừa đúng. Sau khoảng 1 tháng nung, thành phẩm thu được là khoảng 120.000 viên gạch đỏ au đúng chuẩn. Trước kia khi giao thông chưa phát triển, gạch được vận chuyển đi khắp miền Nam bằng đường sông.

Từng thịnh vượng là thế, nhưng bây giờ nếu bạn tới thăm vương quốc gạch đỏ ở Vĩnh Long, sẽ thấy chỉ còn số ít những lò gạch này nổi lửa. Khi hệ thống lò hiện đại chiếm ưu thế, lò gạch truyền thống của Vĩnh Long dần dần ‘thất sủng’ và cuối cùng rơi vào dĩ vãng.

Từ một làng nghề truyền thống, nay các lò gạch Vĩnh Long đã trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Chưa kể, ở đây còn có khá nhiều góc chụp độc đáo mà chắc chắn bạn sẽ khó lòng bỏ qua cho xem.

Đi dọc các con sông như Cái Chiên, Mang Thít, Cái Nhum, kênh Thầy Cai… bạn vẫn sẽ thấy hàng trăm lò gạch nằm đó. Nhưng rêu đã mọc, bụi đã bám, phủ lên ‘thành phố gạch nung’ màu thời gian đầy cổ kính.

Tuy sinh sau đẻ muộn, nhưng làng gốm Vĩnh Long lại có nét độc đáo riêng, đó là dòng gốm không men. Không có màu đỏ ối của gạch, ngói, gốm Vĩnh Long có màu hồng tự nhiên, sau khi nung ửng lớp phấn trắng phơn phớt bên ngoài như sương.

Không chỉ ấn tượng bởi màu gốm, ở Cổ Chiên, Vĩnh Long còn có công trình kiến trúc đặc sắc gần như có một không hai ở Việt Nam, đó là nhà gốm. Đến đây bạn sẽ được chứng kiến bàn tay tài hoa và sự đầu tư công phu, tỉ mỉ của những người thợ gốm và lựa chọn cho mình những món đồ ưng ý về trang trí hoặc làm quà.

Mặc dù còn nhiều khó khăn trong việc phát triển và duy trì làng nghề nung gạch gốm đỏ Mang Thít, Vĩnh Long, nhưng những lò gạch gốm tại đây vẫn ngày đêm đỏ lửa để tạo ra những sản phẩm đẹp, độc đáo, chất lượng. Những người thợ vẫn miệt mài với nghề tạo ra những nét văn hóa mang giá trị tâm hồn Việt, văn hóa phương Đông, tồn tại theo năm tháng.

Nếu có dịp du lịch Vĩnh Long, bạn đừng bỏ qua cơ hội check in ở những lò gạch gốm, mang về những bức ảnh đẹp và chất lừ cho riêng mình.

Scroll to Top